Mối quan hệ giữa ẩn dụ, ước lệ tượng trưng
Theo nghĩa rộng, ước lệ tượng trưng được hiểu là hình tượng ở bình diện kí hiệu, là kí hiệu chứa tính đa nghĩa của hình tượng. Phạm trù ước lệ tượng trưng chỉ cái phần mà hình tượng vượt khỏi chính nó, chỉ sự hiện diện của một nghĩa nào đó vừa hòa với hình tượng vừa không đồng nhất hoàn toàn vào hình tượng. Ví dụ như hình tượng “bó đuốc”: Ngoài ý nghĩa biểu trưng cho trí tuệ, còn là tượng trưng cho nhiều điều sâu xa mà người ta có thể “giải mã” khác nhau như: chí khí, nghị lực, ý chí chiến thắng, vươn tới vinh quang v.v…). Nhập vào ước lệ tượng trưng, hình tượng trở nên “trong suốt”, ý nghĩa sẽ chiếu rọi qua nó, trở thành nghĩa hàm súc, có tính khái quát cao, có chiếu sâu, có viễn cảnh v.v…
Có thể nói ước lệ tượng trưng là hệ quả của ẩn dụ (hoặc của hoán dụ, phúng dụ). Song, ẩn dụ có – chuyển hóa thành ước lệ tượng trưng hay không ít nhất cẩn đến những dấu hiệu:
– Có độ cô đúc cao của sự khái quát nghệ thuật.
– Dụng ý của tác giả muốn nêu rõ ý nghĩa ước lệ tượng trưng của hình tượng mình miêu tả, vượt ra ngoài văn cảnh.
Chẳng hạn, đằng sau ẩn dụ tu từ “Ngọn đèn đứng gác” (thơ của Chính Hữu) là hình ảnh người lính kiên trung dũng cảm, thường trực một tinh thần cảnh giác chiến đấu rất cao (Chong mắt, Không bao giờ nhắm mắt, đứng gác trong gió, trong mưa, không ngủ…). Hình ảnh “ngọn đèn” đặc sắc và độc đáo đã đạt được độ cô đúc cao, đã trở thành một biểu tượng cho tinh thần thường trực chiến đấu của nhân dân Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước. “Ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt” gây ấn tượng đậm nét, sâu sắc, phát huy được sức mạnh thẩm mĩ, đã biến thành lời kêu gọi thôi thúc, làm thức dậy ý thức trách nhiệm sâu xa ở mỗi công dân Việt Nam đối với miền Nam đau thương và anh dũng, đối với Tổ quốc Việt Nam.
Ẩn dụ là sản phẩm sáng tạo của cá nhân mang tính chủ quan, mang dấu ấn cá nhân. Chẳng hạn, nói về đôi lứa yêu nhau, chờ đợi nhau, trong ca dao ta từ lâu đã có hình ảnh so sánh thuyền và bến (thuyền về có nhớ bến chăng…), nhưng Xuân Quỳnh lại chọn hình ảnh song đôi khác là thuyền và biển, còn Xuân Diệu thì thể hiện tình cảm tha thiết sôi nổi của người đang yêu qua ẩn dụ tu từ biển xanh và bờ cát trắng.
Ẩn dụ khi được nâng lên thành ước lệ tượng trưng thì chuyển hóa thành sản phẩm của cộng đồng, mang tính quy ước xã hội và không hiếm trường hợp còn mang bản sắc dân tộc. Ví như biểu tượng “con cò” trong ca dao gợi hình ảnh điển hình về người phụ nữ nông dân vất vả long đong ở làng quê Việt Nam. Cái cổng làng, mái đình, cây đa, giếng nước… là những hình ảnh cổ truyền của quê hương người Việt nhưng lại là những “vật thể” gợi hiếu kì trong con mắt của du khách châu Âu. “Bánh mì và muối” biểu trưng cho tình hữu nghị bè bạn mang đậm bản sắc dân tộc Nga, nhưng các cụ ta xưa lại tỏ lòng hiếu khách qua “miếng trầu, quả cau, chén nước” v.v…
Một số ước lệ tượng trưng phổ quát rộng đã mang tính khu vực và tính quốc tế như: Người mẹ Tổ quốc, Bồ câu trắng (hòa bình), Đầu lâu, xương chéo (sự chết chóc) v.v… tất cả đều được hình thành từ ẩn dụ tu từ.
Ví dụ như hình ảnh “hoa” trong câu thơ:
“Nỗi mình thêm tức nỗi nhà
Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng!”
Hình ảnh “hoa” trong hai câu thơ trên có thể coi là hình ảnh ẩn dụ nhưng cũng có thể coi là hình ảnh ước lệ tượng trưng. Nói như thế không phải là “ba phải” mà bởi vì giữa ẩn dụ và tượng trưng ước lệ vốn có mối quan hệ rất gần nhau. Cơ chế của ẩn dụ tu từ là dựa trên mối liên tưởng về những đặc điểm, chức năng tương đồng (giống nhau) giữa hai sự vật được so sánh (ngầm) với nhau. Ở đây, vẻ đẹp nhan sắc “nghiêng nước nghiêng thành” của Thúy Kiều có sự tương đồng với vẻ rực rỡ, tươi đẹp, lộng lẫy của thiên nhiên “hoa”. Trên cơ sở đó Nguyễn Du đã sử dụng thành công một ẩn dụ tu từ. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã vận dụng thủ pháp ước lệ tượng trưng đạt tới trình độ kinh điển.
Nhưng, không phải chỉ một mình Tố Như so sánh vẻ diễm lệ của Thúy Kiều với vẻ đẹp của “hoa” trong thiên nhiên. Trong văn chương cũng như trong đời sống, trước, cùng thời và sau đại thi hào đã có không ít người cảm nhận và ví giai nhân với hình ảnh “hoa” đẹp. Lâu dần hình ảnh “hoa”, từ “hoa” đã trở thành một biểu tượng, một tượng trưng ước lệ về sắc đẹp của phụ nữ.
Nói cách khác, tượng trưng là phương thức chuyển nghĩa dựa trên ẩn dụ (hoặc hoán dụ, phúng dụ) được định hình, đã trở thành quen thuộc phổ biến tới mức hễ nói tới sự vật này, người ta liền liên tưởng nhanh sang sự vật khác mà nó muốn hàm chỉ, không cần viện đến văn cảnh. Tượng trưng chính là cách thức biểu thị đối tượng miêu tả bằng ước lệ: người ta quy ước ngầm với nhau là cái đó biểu thị sự vật đó. Sự nhận thức ở đây mang tính chất xã hội quy định. Chẳng hạn, tả vẻ đẹp về dung nhan phụ nữ trong văn chương cổ đã có một số ước lệ tượng trưng như: khuôn trăng, nét ngài, làn thu thủy, nét xuân sơn v.v… Nói về người phụ nữ nông dân Việt Nam lam lũ vất vả trong ca dao của ta từ xa xưa đã xuất hiện biểu tượng con cò (Cái cò lặn lội bờ sông…).
Trở lại từ “hoa” trong câu thơ của Nguyễn Du. Đây là hình ảnh ẩn dụ quá quen thuộc tới mức đã chuyển hoá thành một biểu tượng, một ước lệ tượng trưng cho nhan sắc của người phụ nữ nói chung. Và từ “hoa” đã trở thành một từ biểu tượng (word symbols). Tiếp đó ra đời những từ phái sinh như: “nét hoa” là dung nhan của người phụ nữ diễm lệ, “lệ hoa” là nước mắt của người đẹp…