Ảnh biếm họa của TTO

Hiện tượng này diễn ra không ít trong hiện thực ở Việt Nam bởi một trào lưu quá sùng bái danh nghĩa, bằng cấp và "đồng hóa" giữa danh và thực.

Sự sùng bái thái quá "bằng cấp" để đánh giá nhân tài cũng có thể là một nhân tố góp phần biến hiền tài là "nguyên khí quốc gia" thành "hư khí quốc gia".

Nhìn từ mối quan hệ này, tôi khá tâm đắc với nhận định của ông Phan Trọng Hiền (trên báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 28-11-2014): "Có thể nói Việt Nam là một quốc gia rất đông người có học hàm, học vị cao, tỉ lệ người có học vị tiến sĩ cao hơn nhiều nước phát triển. Tuy nhiên, số bằng phát minh, sáng chế và công trình khoa học của Việt Nam thì ngược lại, vô cùng ít ỏi. Thói quen chọn hư danh, coi trọng bằng cấp hơn thực tài và thực học hình như chi phối toàn xã hội. Nhiều địa phương 'trải thảm đỏ' (đãi ngộ vật chất cao hơn mức bình thường) mời các tiến sĩ về làm việc nhưng đâu biết rằng nước ta đang có nhiều 'tiến sĩ giấy'". 

Tình trạng mua bán bằng cấp "học giả, bằng thật" ngày càng trở nên phổ biến. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự tụt hậu của nước ta trên nhiều lĩnh vực.

Cần dứt khoát "nói không" với những tấm bằng "rỗng ruột" chỉ dùng để "lộng kiếng" và hoàn toàn không có giá trị, ý nghĩa thực tiễn gì. Thay vào đó nên trọng dụng những người "thực học, thực tài".

Trên thực tế, hầu hết các quốc gia, đặc biệt là các nước phát triển đều lấy tiêu chuẩn chính yếu "thực tài" thông qua những thành tích, hiệu quả và tầm nhìn trong hoạt động thực tiễn - tức là "thực học và tự đào luyện". Bởi các chính trị gia hay thành viên cao cấp trong bộ máy quyền lực là những người hoạt động "thực tiễn" - lấy thực tiễn để đúc kết thành lý luận và lý luận chỉ đường cho thực tiễn. Họ chủ yếu là những người thực học.

Hiện nay ở Việt Nam có trên 25.000 tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư. Cao hơn tất cả các nước Đông Nam Á và nếu tính theo dân số thì số này vượt trên cả Nhật, một quốc gia đang "tiệm cận" đến cách mạng công nghệ 5.0. 

Nhưng có một bức tranh tương phản là số bằng phát minh sáng chế và các công trình công bố quốc tế, cho đến năng suất lao động của Việt Nam đang đứng sau các nước như: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan.

Không ít những tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư từng trải trong ngành đào tạo, nghiên cứu khoa học và ngay trong bộ máy công quyền đều có cảm nhận chung là những người có học vị tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư của Việt Nam hiện nay chỉ đúng nghĩa ở mức độ 25 - 30%!

Ở Nhật rất coi trọng thực tài, ngay trong các trường đại học và viện nghiên cứu khoa học không ít người không có bằng tiến sĩ vẫn được công nhận chức danh phó giáo sư, giáo sư bởi họ có nhiều công trình nghiên cứu khoa học và đóng góp tích cực trong đào tạo, nghiên cứu. Tất nhiên thời gian để công nhận các chức danh đó dài hơn người có học vị tiến sĩ. 

Những phó giáo sư, giáo sư ở dạng này được đánh giá là thực tài và được đồng nghiệp kính trọng bởi sự thực học và tự đào luyện.

Việt Nam cần nghiên cứu cách tư duy này để tìm thực tài đúng nghĩa.

Tại sao người Nhật làm được điều thần kỳ đó? Bởi người Nhật có nhiều đức tính tốt, tạo nhân tố có tính quyết định đến sinh mạng quốc gia, nhưng chúng tôi ấn tượng nhất là tính khiêm tốn và cộng đồng. 

Chúng tôi ấn tượng nó, bởi vì với tính khiêm tốn bao giờ cũng cho mình luôn còn khiếm khuyết và luôn phải học hỏi người khác để hoàn thiện mình. Không chỉ một người, mà cả nước Nhật như vậy!

Tính khiêm tốn đó còn thiếu nhiều ở người Việt Nam chúng ta, minh chứng là họ luôn tự mãn với những thành tích nhỏ nhoi, thiếu tầm cỡ nhưng lại cho là trí tuệ "cao siêu", và cũng từ cách nghĩ đó mà coi mình hơn người khác, thiếu tinh thần hợp tác, học hỏi.

Theo chúng tôi, điều này cần thay đổi một cách có hệ thống tư duy từ trên đến tới người dân. Đó là một nhân tố quan trọng để Việt Nam hóa Rồng.

Điều muốn thêm nữa là các bậc tiền nhân thường nhắc nhở chúng ta một cách tế nhị: Giá trị con người được ví như 1 phân số. Tử số là năng lực vốn dĩ và mẫu số là tự đánh giá về mình! Nếu mẫu số càng lớn thì giá trị phân số càng nhỏ. Đừng quên!

Theo chúng tôi, với cách nhìn thiển cận, có thể nhìn nhận 5 dạng biểu hiện tài năng như sau:

Thứ 1: Các chính trị gia xuất chúng, được ghi dấu ấn trong lịch sử quốc gia hay quốc tế;

Thứ 2: Các nhà phát minh sáng chế tầm cỡ có ảnh hưởng đến sự tiến bộ, khoa học công nghệ quốc gia hay quốc tế, không phụ thuộc vào bằng cấp, đơn cử như Edison (mới học bậc tiểu học)…

Thứ 3: Những nhà khoa học có những phát minh sáng chế kiệt xuất gắn với học vị cao;

Thứ 4: Những người có trình độ học thức thấp nhưng có những sáng tạo, sáng chế hữu ích. Ví dụ như vào những năm 1990, rộ lên ở Đồng bằng sông Cửu Long với những "kỹ sư chân đất" hoặc các "ông vua" máy gặt đập liên hợp, máy hút bùn, "thần đèn" dời công trình lớn… Lúc đó có một số bài đăng trên báo Nhân Dân đặt câu hỏi: Đó có phải là nhân tài không? Vì nhiều kỹ sư, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư chưa làm được điều này!

Thứ 5: Các tài năng "bẩm sinh" hoặc năng khiếu hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật - kinh doanh như: các doanh nhân, nghệ nhân, nghệ sĩ hoặc trong lĩnh vực giải trí…không phụ thuộc vào bằng cấp.