“Cha ơi”, tôi vẫn thường gọi phụ thân trong tâm tưởng, trước bàn thờ, khi dâng hương ngày kỵ và các ngày lễ khác trong năm. Đôi mắt cha tôi, từ di ảnh vẫn nhìn thấu cảm, sẻ chia, động viên như lúc ông còn sống...
Tôi mất mẹ khi còn bé xíu, cuộc đời lớn lên trên lưng cha. Tiếng Việt, tùy văn hóa vùng miền, có thể gọi phụ thân bằng nhiều cách, nhưng tôi vẫn thích tiếng gọi “cha”. Vừa mang bản sắc xứ Nghệ quê hương, vừa phổ thông.
Tôi có người em là nhà giáo, lập nghiệp ở Tây Nguyên. Nói đến Tây Nguyên, trừ dân bản địa, bây giờ thành phố, thị xã, thị trấn nào cũng “đa sắc màu”, đủ cư dân vùng miền. Tuy nhiên, trong gia đình con cái chủ yếu gọi “ba”, “má” hoặc “ba”, “mẹ”, theo cách gọi phía Nam. Riêng chú em tôi, thủy chung với cố thổ, các cháu vẫn gọi phụ thân là “cha”. Tôi rung rức xúc động khi lần đầu vào thăm. Sau này tôi có viết bài thơ “Nghe tiếng gọi cha ở phương Nam”, khổ cuối là:
“Tiếng gọi cha không lẫn vào đâu
Tình phụ tử tựa Thái Sơn muôn thuở
Phương Nam xa xôi chẳng còn đất khách
Chỉ tiếng gọi thôi đã như giữa Nghệ mình”.
Mỗi người sinh ra trên cuộc đời này, đều có bố, có mẹ. Đó là khoa học về giới. Thời hiện đại, “hôn nhân 4.0” đã có nhiều thay đổi, ngày càng nhiều phụ nữ chọn cuộc sống làm mẹ đơn thân, đầu tiên là trong giới showbiz. Tuy người bố không xuất hiện hằng ngày bên những cháu bé, khi mẹ chọn “đơn thân” nhưng phải có bố mới có các cháu trên cuộc đời.
Quyền có cha, có mẹ là một trong những thành tố của quyền con người, phổ quát, nhân bản. 8 năm trước, tôi đã từng lặng người đi khi đọc được bài báo nói về hành trình 15 năm trời của chàng trai người Đức tìm cha người Việt. Đã có lúc vô vọng. Nhưng sau khi thông tin được đăng tải trên Facebook, hai tiếng sau, chàng trai này có manh mối và tìm được cha người Việt sau gần 30 năm mất liên lạc. Họ đã gặp lại nhau, một cái kết có hậu, mang lại niềm tin cho những người khác, do nhiều hoàn cảnh khác nhau của lịch sử, đang thất lạc, muốn tìm lại các bậc sinh thành, trong đó có người tìm cha.
Người Việt Nam, quả hạnh phúc. Đất nước văn hiến với một kho tàng tục ngữ, ca dao, truyện cổ tích; rất nhiều trong số đó truyền đời về đạo lý.
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Câu ca dao này, một thời các bà, các mẹ luôn cất lên thành tiếng hát ru nôi. Cha mẹ có công sinh thành, là người luôn biết bảo vệ, che chở và dạy dỗ con, và trong suốt cuộc đời luôn là điểm tựa tinh thần vững chắc cho mỗi đứa con. Do vậy, đạo làm con phải lễ phép, kính trọng cha mẹ; cố gắng học tập thật tốt, trở thành người có ích; yêu thương, giúp đỡ cha mẹ mình. Tình máu mủ là tình cảm thiêng liêng nhất giữa những người ruột thịt. Hãy quan sát thế giới tự nhiên đi, tất cả các động vật đều biết che chắn, bảo vệ, che chở con mình, chưa nói đến động vật có trí tuệ, ngôn ngữ là con người.
Trong gia đình, vai trò người cha khác mẹ. Cha có thể ít biểu cảm hơn, “nước mắt đàn ông” bao giờ cũng thầm kín, nhưng dữ dội. Tôi đã từng rất mê seri truyền hình thực tế “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” của Truyền hình Việt Nam. Những câu chuyện rất nhỏ, thực sự xúc động, có ý nghĩa thông điệp.
“Cha ơi”, tôi vẫn thường gọi phụ thân trong tâm tưởng, trước bàn thờ, khi dâng hương ngày kỵ và các ngày lễ khác trong năm. Đôi mắt cha tôi, từ di ảnh vẫn nhìn thấu cảm, sẻ chia, động viên như lúc ông còn sống. Về phía mình, tôi luôn mặc cảm về những lần chưa nghe lời, chưa chu đáo chăm sóc, phụng dưỡng; nhất là ít có thời gian sống bên cha, do tôi xa gia đình từ lúc mười bảy tuổi.
***
Từ ngày Việt Nam hội nhập sâu và rộng với toàn cầu đến nay, nhiều giá trị tinh thần của loài người được người Việt tiếp cận, trong đó có “Ngày của cha”, “Ngày của mẹ”, “Ngày của anh chị em”, “Ngày của ông bà”.
“Ngày của cha”, theo đó là ngày lễ tôn vinh quyền làm cha, gắn kết gia đình, cũng như ảnh hưởng của những người cha trong xã hội. Ngày này được tổ chức vào các ngày khác nhau ở nhiều nơi trên thế giới. Hiện nay đã có 111 quốc gia coi “Ngày của cha” như một hoạt động văn hóa. Tâm lý người Việt đang chủ yếu mới hướng đến người mẹ, người bà; trong năm ít nhất có Quốc tế Phụ nữ (8/3), Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10); “Ngày của cha”, “Ngày của mẹ” gần như rất ít người để ý đến.
Việt Nam đang trong hành trình phấn đấu bình đẳng giới, cả về pháp lý, vị trí xã hội... cũng như trách nhiệm trong gia đình. Tuy nhiên, là đất nước ảnh hưởng Nho giáo sâu đậm nên “văn hóa” tôn vinh đàn ông là “phái mạnh”, đàn bà là “phái yếu” còn rất lâu dài. Chính vì thế mà người Việt có cách nhìn về vai trò của cha và mẹ khác nhau.
Hiện nay, trong gia đình “truyền thống”, người cha đóng vai trò rất quan trọng đối với trẻ, “con có cha như nhà có nóc, con có mẹ như măng ấp bẹ” (tục ngữ). “Nhà có nóc” chính là sức mạnh uy quyền của cha trong gia đình. “Vắng đàn ông thì quạnh nhà, vắng đàn bà thì quạnh bếp”, từ trong ca dao Việt đã nói đến sự khác nhau.
Thời bé tôi nhút nhát. Cha đi vắng là sợ đủ thứ, nhất là sợ ma. Sự hiện diện của cha luôn khuyến khích tôi tự tin tiếp cận với những người xung quanh, giúp tôi có khả năng tương tác. Bây giờ sách vở nhiều, người ta có thể biết rằng, người cha có vai trò hàng đầu trong việc xây dựng cấu trúc tâm lý của trẻ.
Một nghiên cứu tại Mỹ chứng minh rằng: những đứa trẻ được đàn ông nuôi lớn sẽ thông minh hơn một chút so với những đứa trẻ được nuôi bởi phụ nữ, chúng có thành tích học tập tốt hơn và dễ thành công hơn trong cuộc sống. Trong việc giáo dục con cái, người cha luôn có những mục tiêu cụ thể hơn, như cần phải làm gì để con phát triển nhân cách, tư duy logic, con cần phát triển những khả năng gì... Trong thói quen sinh hoạt hằng ngày, sự nghiêm khắc và cương nghị của cha giúp con rèn tính độc lập, quyết đoán, dũng cảm tốt hơn.
Các nhà nghiên cứu quan sát thấy rằng người cha thường sử dụng những biểu đạt đa dạng hơn đối với trẻ, nhờ vậy mà kích thích sự phát triển ngôn ngữ. Con trẻ được kích thích từ giọng nói vừa trầm lắng vừa mạnh mẽ của người cha. Do đó, trẻ nhỏ từ sớm sẵn sàng tiếp nhận cách biểu đạt khác nhau trong cuộc sống.
***
Tôi là nhà thơ, sống hướng nội, người ngoài bảo duy tình. Tôi cũng là người chịu khó đọc thơ, trước hết của các nhà thơ quen biết viết về phụ thân. Các nhà thơ TS. Lê Thành Nghị (Hà Nội), Nguyễn Ngọc Hạnh (Đà Nẵng), Trần Chấn Uy (Khánh Hòa)... đều có các tác phẩm viết về người cha. Thơ là cảm xúc, là tiếng lòng, tất yếu mỗi bài thơ mỗi tác giả đều rung động các nhịp cảm khác nhau.
Nhà thơ, Đại tá, TS. Lê Thành Nghị có một số phận gần giống tôi, đó là mẹ mất sớm. Ông có bài thơ “Cha tôi” khá xúc động. Phụ thân của ông là giáo làng, thời xưa nghề nào cũng khổ, nghề giáo không ngoại lệ. Bà mất, một mình ông gồng mình, vừa dạy chữ cho đám trẻ thôn quê, vừa nuôi dưỡng dạy dỗ con mình, giữ tròn nếp nhà, gia phong, làm gương cho con. Đó là đức hy sinh.
“Thức suốt đời con bão giật nghiêng đêm
Cha vẫn ngồi soạn bài đèn mờ nước mắt
Vượt tất cả để giữ mình trong sạch
Biết mấy cam go biết mấy can trường”.
(Cha tôi - thơ Lê Thành Nghị)
Đọc thơ Lê Thành Nghị, trong tôi ùa về ký ức. Tôi vẫn còn nhớ, hồi mình mới lên ba, lên bốn, mùa đông rất lạnh. Nhà nghèo, mấy cha con chỉ có manh chiếu đắp vượt qua những ngày giá lạnh. Nhiều lần cha tôi gập người, hai khuỷu tay và chân chống trên manh chiếu, ông vừa che chắn, vừa lấy hơi ấm từ ngực mình cho con trai. Sáng mai ông còn phải đi làm, nhưng hầu như thức suốt canh thâu. Sự hy sinh của người cha với con mình luôn có nhịp điệu khác biệt.
Giống như các nhà thơ khác, tôi cũng từng sáng tác nhiều bài thơ về phụ thân, như “Nhớ cha”, “Hoa đại đầu nhà thờ Tổ”, “Đêm không ngủ nhớ mẹ cha”... nhưng sẽ còn viết nữa. Tài sản quý nhất của cha mẹ là những đứa con nên không ai khác, chỉ có cha mới là những người sẵn sàng hy sinh về mình. Tại sao không viết? Viết cũng là tự đối thoại với lòng mình.
“Bão giông cha gánh lặng im
tảo tần mẹ dệt chữ mình chữ ta
vườn nhà tím ngắt hoa cà
mẹ cha mây trắng xa xa tìm về”.
(Mẹ cha - thơ Ngô Đức Hành)
Bỗng nhiên buồn. Thời buổi này, con người mải mê săn lùng những giá trị vật chất quá. Vì thế mà, rất, rất nhiều vụ việc băng hoại đạo đức truyền thống đã xảy ra; trong đó có sự đổ vỡ tình cảm cha con, mẹ con, thậm chí tội ác ghê sợ. Thường những vụ việc như thế dễ gây sang chấn tâm lý xã hội. Đúng rồi, nếu có trắc ẩn thì chính tình cảm ruột thịt là nơi trắc ẩn nhất.
Kinh Thánh răn dạy cho con chiên “Cha con, con hãy hết lòng tôn kính, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau” (Huấn ca, chương 7). Những giá trị của đạo Khổng, của Nho giáo, hay đạo lý ông bà tổ tiên để lại, đều như vậy./.