Tác động của địa hình dãy Trường Sơn đến khí hậu Việt Nam

Admin

Trường Sơn là dãy núi đồ sộ và dài nhất Việt Nam, trải dài từ thượng nguồn sông Cả đến cực Nam Trung Bộ. Địa hình dãy Trường Sơn gồm hai phần: Trường Sơn Bắc thuộc khu vực Bắc Trung Bộ có hướng tây bắc - đông nam và Trường Sơn Nam thuộc khu vực Nam Trung Bộ có hướng vòng cung. Hai bộ phận này ngăn cách nhau bởi dãy Bạch Mã.

Độ cao trung bình của vùng núi Trường Sơn là trên 500m, có nhiều đỉnh cao như Puxailaileng (2.711m), Rào Cỏ (2.235m), Ngọc Linh (2.598m),...

Dãy Trường Sơn kéo dài theo hướng Bắc - Nam đã tác động khá rõ đến khí hậu nước ta, làm khí hậu có sự phân hóa, đặc biệt ở khu vực miền Trung Việt Nam. Hôm nay, thầy Tùng mời các em tìm hiểu về tác động của địa hình dãy núi này đến khí hậu Việt Nam.

1. Sự phân hóa khí hậu theo độ cao

- Về chế độ nhiệt: Theo quy luật thì càng lên cao nhiệt độ càng giảm, trung bình cứ lên cao 100m nhiệt độ giảm 0,6 độ C nên ở những khu vực có độ cao thấp, nhiệt độ cao hơn so với những khu vực có độ cao lớn. Ví dụ: Trạm khí hậu Đà Lạt (ở độ cao 1.000-1.500m) và Nha Trang (ở độ cao 0-50m). Nhiệt độ trung bình năm của Đà Lạt là 18 độ C, Nha Trang là 26 độ C, chênh lệch nhau 8 độ C do Đà Lạt có địa hình cao hơn nhiều so với Nha Trang - dù nằm ở 

vĩ độ tương đương nhau.

- Về chế độ mưa:

Những nơi cao, đón nhiều loại gió từ biển thổi vào thì có lượng mưa rất lớn như vùng núi Ngọc Lĩnh có lượng mưa trên 2.800mm/năm.
Những nơi thấp, khuất gió thì có lượng mưa ít hơn như vùng thung lũng Sông Ba lượng mưa chỉ đạt từ 800 đến 1.600mm/năm hoặc thấp hơn.

2. Phân hóa theo hướng sườn

- Về chế độ nhiệt:
Vào mùa hạ, do nằm ở sườn khuất gió nên Duyên hải miền Trung, đặc biệt là Bắc Trung Bộ, chịu tác động của hiệu ứng phơn rõ rệt, nền nhiệt độ cao.

- Về chế độ mưa:
Những nơi nằm ở sườn đón gió từ biển thổi vào thì có lượng mưa nhiều. Vào thời kì thu đông, ven biển miền Trung đón gió Đông Bắc từ biển thổi vào nên lượng mưa trung bình năm ở đây cao, với mức phổ biến trên 2.000 mm/năm. Vào mùa hạ, Tây Nguyên nằm ở sườn đón gió mùa mùa hạ nên mưa nhiều, phổ biến là trên 2.000 mm/năm - trong khi đầu mùa hạ, khối khí nhiệt đới ẩm Bắc Ấn Độ Dương vượt qua dãy Trường Sơn đã gây ra hiệu ứng phơn, làm ven biển miền Trung khô hạn.

Những nơi có địa hình song song với hướng gió hoặc ít đón gió thì mưa ít như ở vùng cực Nam Trung Bộ vì hình dạng vòng cung của Trường Sơn Nam nên song song với hướng gió Tây Nam, Đông Bắc vì vây mưa rất ít, dưới 1000m, một số nơi khô hạn như Phan Rang chỉ đạt khoảng 600mm/năm.

Như vậy, địa hình dãy Trường Sơn làm cho khí hậu có sự phân hóa theo độ cao và theo hướng sườn mà biểu hiện rõ nét nhất là ở phần miền Trung Việt Nam.